Gặp gỡ những người thổi “hồn” vào Sen

Trong dịp Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 đang đến gần, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng 02 người phụ nữ chung đam mê về sen và từ niềm yêu hoa sen tha thiết đã tạo dựng cho mình sự nghiệp ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Với niềm đam mê hoa kiểng, chị Trần Bạch Yến Vân, ngụ tổ 13, Ấp 1, xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh quyết định bỏ việc ngân hàng để học hỏi, đầu tư kinh doanh hoa kiểng, trong đó trồng hoa sen là chủ yếu. Với hơn 700 m2 hoa kiểng cung cấp ra thị trường, tạo thêm thu nhập cho gia đình, nay chị Vân đã là chủ vườn hoa kiểng Duy Anh, nổi tiếng khắp cả nước.

Từ mảnh vườn nhỏ với các loại sen như: Bách diệp, Cung đình, Sen hồng, Sen trà trắng, Sen vua v.v. thì nay vườn có trên 25 giống hoa sen, trong đó Sen hồng Đồng Tháp, loại đặc trưng của tỉnh chiếm đa số. Bên cạnh sự chỉ dẫn, truyền dạy chi tiết từ ba, mẹ, chị Trần Bạch Yến Vân rất đam mê trồng sen, chị đã nhập thêm các loại sen mới để bộ sưu tập về sen ở vườn thêm phong phú về chủng loại, về màu sắc.

Với tâm niệm cây cũng có hồn, có hơi thở riêng, cây giống sau khi nhập về luôn được chị theo dõi trong một đến hai chu kỳ sống. Từ đó có thể hiểu về đặc tính, khả năng thích nghi, sinh trưởng, phát triển của từng loại. Vì vậy, khi cây đến tay khách hàng đều được khách hài lòng vì chủ vườn luôn tư vấn nhiệt tình, chia sẻ về cách trồng, cách chăm sóc, kể cả hỗ trợ khách sau khi cây đã trồng mà bị bệnh hay các vấn đề khác cũng được chị tư vấn xử lý giúp. Nhờ vậy, sản lượng bán và doanh thu từ sen của vườn được tăng lên rõ rệt theo từng năm.

Để các loại cây sen ở vườn xuất bán luôn đạt chất lượng tốt, chị chú trọng hơn trong việc phát triển các công cụ bán hàng qua mạng xã hội: Zalo, facebook v.v. và tìm thêm nhiều khách hàng bán buôn và bán lẻ mới trên toàn quốc. Ngoài cung cấp sen trồng làm cảnh, chị Vân tư vấn và cung cấp thêm đến khách hàng các giống sen lấy hoa trang trí, sen lấy hạt, sen lấy ngó, đồng thời phát triển mảng tư vấn, thi công trồng cây cho khách tại nhà, khu du lịch, trường học, đền chùa v.v..

Từ tình yêu sen, chị Vân đã thành công từ mô hình trồng, kinh doanh hoa sen, thu nhập ổn định, mỗi tháng trên 08 triệu đồng. Mỗi một sự kiện lễ hội trên địa bàn tỉnh, chị cung cấp từ 1.000 đến 5.000 chậu, đặc biệt là Lễ hội Sen của tỉnh sẽ diễn ra từ ngày 16 - 19/5/2024, chị Vân nhận đơn hàng khoảng 10.000 chậu sen. “Tôi rất vui khi được cung cấp sen cho Lễ hội Sen lần này cũng như là cung cấp sen cho các tuyến đường, cơ quan, công trình, trường học. Từ giống sen hồng Đồng Tháp đến loại Sen Thái với nhiều màu: Đỏ, vàng, hồng, trắng v.v.. tôi hy vọng sẽ giúp du khách mãn nhãn với loài hoa này”, chị Vân chia sẻ.

Thổi “hồn sen” vào từng nét vẽ

Sinh ra trên vùng Đất Sen hồng, chị Nguyễn Hồng Liên, ngụ phường Hòa Thuận, thành phố Cao Lãnh ấp ủ vẽ hoa sen trên nón lá, nhằm mang sự mới lạ cho khách hàng, đồng thời quảng bá hình ảnh sen hồng Đồng Tháp.

Không qua trường lớp hội họa nhưng nhờ tìm tòi, học hỏi trên mạng xã hội, chị đã vẽ nhiều mẫu hoa sen trên nón lá, từng nét bút, đường cọ tinh xảo đã thổi hồn vào chiếc nón lá thêm sống động, hút mắt. Ngoài vẽ sen trên nón lá, chị Hồng Liên vẽ sen trên túi xách vải, cỏ, hay ai đặt vẽ trên vật liệu nào chị cũng đều đáp ứng. Hiện sản phẩm của chị có mặt nhiều tỉnh, thành cả nước và còn có mặt ở Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia v.v..

Chiếc nón lá rất đỗi quen thuộc với người Việt, nhất là ở các vùng nông thôn nhưng để đưa chiếc nón truyền thống đến gần hơn với du khách gần xa thì không phải ai cũng làm được. Cách làm của chị Nguyễn Hồng Liên đang góp phần mang nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam đến với nhiều du khách, quảng bá hình ảnh Đất Sen hồng. Trao đổi chị cơ duyên đến với nghề, chị Nguyễn Hồng Liên cho biết: “Vì lớn lên trên vùng Đất Sen hồng, hoa sen là biểu tượng đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp nên tôi chọn vẽ loài hoa này nhiều hơn các loại khác. Ngoài ra, ba mẹ đặt tên tôi là Hồng Liên, cũng có liên quan đến hoa sen. Hầu hết các tác phẩm của tôi khi đến tay khách hàng thì đều được ưng ý, hài lòng nên tôi rất vui”.